Chuyên gia kinh tế giải thích như thế nào về "Hiện tượng U23 Việt Nam"?

Đỗ Hòa: ''Tôi nghĩ có lẽ không chỉ riêng mình tôi mà rất nhiều người phải ngạc nhiên về "phản ứng bùng nổ" ghê gớm của cộng đồng đối với thành tích của đội bóng U23 VN tại giải AFC U-23 tại Trung Quốc vừa qua''

Người người xuống đường, người người thể hiện cảm xúc vui mừng. Những người không quen biết bổng dưng thân thiện bắt tay, ôm chầm lấy nhau. Những vụ va quẹt xe, trước đây vốn dễ gây ra án mạng, thì nay trở nên nhẹ nhàng một cách kỳ lạ: cả hai bên đều vui vẻ cho qua. Người này free cuốc xe, người kia free ly nước uống, mọi người vui mừng hò reo, nhảy múa còn hơn cả ngày hội... Chỉ có thể nói là kỳ diệu!



Có thể nói không ngoa rằng những gì mà đội U23 Việt Nam đã làm được đã có tác dụng không kém một liều thuốc hồi sinh.


Nhưng thật ra điều gì đã khiến mọi người bùng nổ lên như vậy?


Tôi cho rằng đó là vì đã từ nhiều năm nay, chúng ta sống thiếu cân bằng về mặt tinh thần. Dân tộc này khát khao những cảm xúc tích cực: một chiến thắng, một tin vui thật sự có ý nghĩa cho mọi người, một cái gì đó là niềm tự hào dân tộc.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa. Nguồn: Marketing Chiến lược


Đúng là về thể thao thì dường như chúng ta đã chưa bao giờ có cái tự hào của chiến thắng. Chúng ta thua kể cả những lần mà chúng ta nghĩ rằng mình đã nắm chắc phần thắng trong tay.

Nhưng sự kiện này không phải là sự ăn mừng thắng lợi của một trận bóng đá. Bởi lần này không chỉ thanh niên xuống đường đua xe, mà từ bà lão đến các cô, từ đàn ông trung niên cho đến các cháu học sinh... những người vốn xưa nay không quan tâm gì mấy đến bóng đá.

Hiện tượng trên, theo tôi chỉ có thể hiểu là một hiện tượng tâm lý, xuất phát từ sự mất cân đối về mặt tinh thần và đã kéo dài trong nhiều năm.

Đã từ hàng chục năm nay, chúng ta phải sống với toàn những cảm xúc tiêu cực. Có quá nhiều cảm xúc tiêu cực chiếm lĩnh, dồn nén và làm tổn thương tinh thần của mọi người.

Rằng nước mình là phận nghèo nên phải hèn, mình làm cái gì cũng không ra hồn. Kinh doanh thì toàn thua lỗ mất vốn ngàn tỉ, và cả quốc gia không có cái thương hiệu nào ra hồn.

Hiệu quả lao động thì thua xa các nước chung quanh, kém cả Lào, nhập siêu và nợ nước ngoài ngày càng cao. 

Khoa học thì lạc hậu, hàng hóa mình sử dụng hầu hết do nước ngoài làm ra. Cái xe đạp mình làm không xong nói gì đến xe tăng tầu ngầm.

Chăm sóc y tế thì không đáng tin cậy. Từ quan chức cho đến người giàu, toàn phải đi nước ngoài chữa mới yên tâm.

Giáo dục thì lạc hậu, cải tổ đi cải tổ lại vẫn vậy. Nhiều người, nhiều giới khác nhau, kể cả quan chức, ai cũng muốn gởi con cái mình sang nước ngoài học tập. Và học xong thì không muốn quay về quê hương.

Mình toàn bị người khác bắt nạt, bị lấn đất, lấn biển, chiếm đảo mà không biết phải làm gì...

Dân ta bây giờ phải lưu lạc kiếm sống khắp nơi, phải làm những việc mà người bản xứ không muốn làm. 

Và người nước ngoài, cho dù là ai, đến từ nước nào thì cũng được trọng vọng, được coi trọng hơn người tài giỏi nước mình.

Chúng ta đã chờ đợi, chờ đợi những cảm xúc tích cực để mong cân bằng lại cuộc sống. Nhưng cái sự chờ đợi ấy đã kéo dài quá lâu. Dẫn đến chúng ta bị mất niềm tin, cả dân tộc bị tổn thương. Chúng ta bắt đầu nghi ngờ chính mình và tương lai của mình: âu là số phận người Việt nó vậy!

Và trong cái sự chơi vơi như tuyệt vọng ấy, thành tích của đội U23 đến với chúng ta như là một liều thuốc hồi sinh. Nó đã làm cả nước bật lên với cảm xúc tích cực: "Đấy, vẫn có cái chúng ta làm tốt hơn nhiều người khác đấy chứ!".

Chính cái cảm xúc tích cực ấy đã khiến cho mọi người trở nên thân thiện với nhau hơn, gần gủi với nhau hơn. Nó giúp chúng ta tìm thấy lại sự cân bằng, dù rằng sự cân bằng ấy chỉ kéo dài trong vài ngày, hoặc vài tuần. Nhưng nhiêu đó cũng đủ giúp cho nhiều người có cái để tự hào, hãnh diện và sống lại niềm tin và hy vọng, niềm tin vào cuộc sống và hy vọng vào tương lai.

Cuộc sống tốt là cuộc sống cân bằng, có buồn thì phải có vui, có thua thì phải có thắng, có xấu hổ thì phải có tự hào, có tủi nhục thì phải có vinh quang.

Khó khăn, tiêu cực thì vẫn còn muôn vàn ở phía trước, nhưng hãy cứ tạm hy vọng để mà tiếp tục lạc quan, yêu đời mà sống các bạn ạ.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa

CEO Công ty tư vấn Tinh Hoa Quản Trị
Nguồn: http://marketingchienluoc.com/
Chuyên gia kinh tế giải thích như thế nào về "Hiện tượng U23 Việt Nam"? Chuyên gia kinh tế giải thích như thế nào về "Hiện tượng U23 Việt Nam"? Reviewed by Luna Ngo on tháng 1 31, 2018 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Brands

Được tạo bởi Blogger.