Chiến lược marketing cho start-up: 4 lời khuyên đắt giá từ những người đi trước

Start-up là đứa con tinh thần của bạn, là tâm huyết ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp trong con người bạn. Những bước đi đầu tiên trong chiến lược marketing cho start-up bao giờ cũng khó khăn và đầy rủi ro. Đặc biệt, khi start-up bắt đầu bước vào giai đoạn "cất cánh", là khi sản phẩm, dịch vụ của bạn dần được thị trường chấp nhận, xuất hiện những vị khách đầu tiên. Đó là khi tinh thần nhân viên, những cộng sự của bạn lên cao nhất. Đó có thể là giai đoạn mà bạn làm việc quên ăn, quên ngủ, không biết mỏi mệt khi nhìn thấy những thành quả đầu tiên. 



Hãy biết tận dụng những hứng khởi, năng lượng trong giai đoạn này cho những bước đi sắp tới, biến nó thành bước đệm vững chắc để không để start-up của mình ngủ vùi trong chiến thắng. 

Dưới đây là 4 bài học giúp người cầm chèo lái xây dựng chiến lược marketing cho start-up của mình được chia sẻ từ Cat Williams-Treloar, CEO của công ty Humanisation (Singapore).

1. Kết hợp chiến lược cũ cùng những ý tưởng mới

Có thể nói, làm marketing là sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật. Khi khoa học đã đạt đến mức chuẩn chỉ, có nghĩa những gì bạn xây dựng cho chiến lược của bạn thật chắc chắn và có cơ sở, đó là lúc những ý tưởng mới được ra đời, tạo nên sự đột phá. Có thể hiểu đơn giản, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo thông điệp thực sự phá cách nhưng sự sáng tạo đó phải dựa trên những đặc điểm của khách hàng mà bạn phân tích trước đó. 

Chính vì vậy, đừng bao giờ quên rằng, khi xây dựng chiến lược marketing cho khởi nghiệp, sự kết hợp giữa chiến lược marketing cũ và những ý tưởng mới là công thức bạn dễ dàng gặt hái được nhiều thành công mà không làm mất đi sự gắn kết giữa thương hiệu của bạn với khách hàng. 

Chiến lược marketing cho start-up cần kết hợp với những ý tưởng sáng tạo. Nguồn ảnh: Kasibiz

Điều này có vẻ hiển nhiên, thế nhưng, Cat Williams-Treloar cho biết cô đã từng tiếp xúc và làm việc với nhiều marketer cảm thấy nhàm chán với chiến lược marketing cho start-up của mình hiện tại hoặc luôn trong tình trạng sợ rằng ý tưởng sắp bị cạn kiệt. Đó là lí do họ luôn đặt mình trong trạng thái muốn làm điều gì đó mới mẻ, hấp dẫn, những thứ mà họ chưa từng làm.

Một trong những khách hàng gần đây tìm đến Cat Williams-Treloar với mong muốn tìm kiếm chiến lược xâm nhập thị trường sáng tạo hơn. Chiến lược marketing hiện tại cho start-up của họ đang vận hành hài hòa giữa nghiên cứu thị trường, kế hoạch content marketing, và các sự kiện kết nối trực tiếp. Chiến lược này đang giúp họ thu hút được nhiều khách hàng mới, mang lại hiệu quả trông thấy.

Thế nhưng, công ty lại mong muốn tạo ra một cú hích hay đại loại một chiến lược độc đáo, mới lạ trên thị trường. Dĩ nhiên, điều đó có thể mang lại những bước ngoặt lớn, ghi dấu sâu đậm trong tâm trí khách hàng. Đổi lại, chiến lược sẽ chứa những rủi ro tiềm ẩn cực kì lớn và mang lại tổn thất khó sửa chữa dù đó là doanh nghiệp lớn hay start-up.

Để giữ được nhịp tăng trưởng hiện tại, Cat Williams-Treloar đề xuất giải pháp: lựa chọn một hướng tiếp cận thị trường hoàn toàn mới để thử nghiệm mỗi tháng. Ý tưởng này phải là điều mà thương hiệu chưa từng thực hiện trước đây.

Cụ thể, doanh nghiệp cần tạo một kênh tiếp nhận và lưu trữ tất cả các ý tưởng sáng tạo của nhân viên, như Google Doc. Định kỳ hàng tháng, các marketer có thể xem xét kho ý tưởng này và chọn ra một sáng kiến để thử nghiệm trong tháng tiếp theo.

Ví dụ như bạn có thể thử nghiệm sử dụng nền tảng chia sẻ content marketing mới, trong lúc vẫn duy trì kết nối với khách hàng qua email và mạng xã hội đang dùng.

Giải pháp này sẽ giúp công ty vừa có thời gian thử nghiệm ý tưởng mới, vừa không đánh mất chiến lược marketing cho start-up đang phát huy hiệu quả.

2. Chỉ thay đổi trọng điểm của chiến lược marketing

Có thể bạn là người rất thích phân tích dữ liệu khách hàng sau khi thực hiện thử nghiệm A/B cho kế hoạch marketing. Một khách hàng làm việc gần đây của Cat đã thử nghiệm A/B cho tiêu đề email, từ khóa SEO, phân tích hiệu quả content marketing đến quảng cáo trên Facebook.

Đây là cách làm lý tưởng cho mọi doanh nghiệp. Nhưng thách thức cho cách thử nghiệm này chính là đội ngũ marketer của bạn sẽ không có đủ thời gian để áp dụng tất cả các điều rút ra được vào chiến lược marketing cho start-up hiện tại.

Vì vậy, nhằm tối ưu hóa hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực, bạn chỉ nên chọn ra tối đa 3 điểm trọng yếu cần thử nghiệm hàng tuần. Đội ngũ marketer của bạn sẽ cải thiện tổng quan chiến lược marketing cho start-up từ các kết quả thực tế thu được đó.

3. Hiểu rõ khi nào cần sử dụng tính năng tự động trong marketing

Một khách hàng đã từng hỏi Cat rằng: "Khi nào là thời gian tốt nhất để thiết lập chế độ tự động cho các kênh marketing?". Câu trả lời là tùy thuộc vào việc bạn hiểu được đâu là lúc kết nối tốt nhất với khách hàng.

Tự động hóa để giải quyết bài toán chi phí cho start-up

Rất nhiều doanh nghiệp dành thời gian để tìm kiếm các công nghệ có thể giúp họ tự động hóa chiến dịch marketing với khách hàng.

Các tính năng tự động bao gồm hẹn giờ đăng tải bài viết trên Instagram hoặc Facebook, kịch bản giao tiếp cho chatbot, kế hoạch nội dung email hấp dẫn gửi đến khách hàng, lẫn kế hoạch thu thập cơ sở dữ liệu khách hàng phù hợp... Các công nghệ này không chỉ đòi hỏi sự đầu tư về tài chính, mà còn cần doanh nghiệp tập huấn cho nhân viên và thời gian để nhân viên áp dụng vào thực tế.

Nếu bạn đang cân nhắc về vấn đề này, thì trước tiên, hãy vẽ sơ đồ kết nối giữa công ty của bạn với từng nhóm khách hàng cụ thể, những điểm chạm trong quá trình mua hàng của họ. Từ đó, xác định thời điểm lẫn công cụ cụ thể bạn có thể dùng tính năng tương tác tự động với khách hàng.

4. Thấu hiểu khách hàng là công việc hàng ngày

Hãy yêu cầu nhân viên của bạn đặt ra 30 phút mỗi ngày để lắng nghe, quan sát và trao đổi trực tiếp với khách hàng về điều công ty bạn đã làm được và điều cần cải thiện để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Các cuộc trao đổi với khách hàng cần diễn ra định kỳ, tự nhiên và tạo cảm giác gần gũi, thay vì chỉ tiếp cận khách hàng khi cần phỏng vấn lấy xác nhận. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ của công ty, lẫn nhắc nhớ khách hàng về thương hiệu của bạn.

Kết luận

Những ai làm trong start-up đều có thể hiểu được, mỗi ngày trôi qua đều không giống nhau, mỗi ngày đều mang lại một thách thức mới, một thành quả mới giúp doanh nghiệp tiến gần hơn, thấu hiểu hơn, cung cấp nhiều giá trị hơn cho khách hàng.

Người lãnh đạo là người cầm chìa khóa cũng như cầm luôn mái chèo của con thuyền này. Chính vì vậy, cần phải biết biến giai đoạn thành công ngắn hạn này là bước đệm cho tăng trưởng bền vững sau này. Công thức của một chiến lược marketing cho start-up hiện tại của bạn có thể đang vận hành rất tốt nhưng cũng đừng quên rằng bạn phải luôn tiếp tục thử nghiệm và cải thiện nó mỗi ngày. Hãy luôn kết nối với khách hàng. Những nỗ lực hôm nay của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng trong tương lai. 



Nguồn: Tech in Asia
Chiến lược marketing cho start-up: 4 lời khuyên đắt giá từ những người đi trước Chiến lược marketing cho start-up: 4 lời khuyên đắt giá từ những người đi trước Reviewed by Luna Ngo on tháng 3 07, 2018 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Brands

Được tạo bởi Blogger.